Blog
Nghệ thuật giữ chân người tài: Lương cao thôi chưa đủ!
- 06/09/2021
- Posted by: admin
- Category: Giữ chân người tài

Theo Tổng giám đốc công ty giải pháp nhân sự Adecco Việt Nam và Malaysia, việc giữ chân người tài chưa bao giờ là thử thách dễ dàng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh những người lao động thuộc thế hệ Z hiện nay luôn đánh giá rất cao cơ hội phát triển nghề nghiệp khi “đầu quân” cho các công ty.
Năm 2018, công ty tư vấn nhân sự Talentnet và dịch vụ Khảo sát lương và Khảo sát Nguồn Nhân Lực Mercer (Hoa Kỳ) đã tiến hành một cuộc khảo sát thực hiện với 50 doanh nghiệp tại Việt Nam. Kết quả cuộc khảo sát cho thấy thiếu cơ hội phát triển là một trong hai nguyên nhân lớn nhất khiến nhân viên thôi việc (chiếm 47%).
Báo cáo từ khảo sát của Adecco Việt Nam năm 2020 cũng cho biết, tỷ lệ thôi việc trung bình tại Việt Nam năm 2019 là 24%. Trong đó, hơn 51% nhân viên rời bỏ doanh nghiệp với lý do thiếu cơ hội phát triển nghề nghiệp. Cũng theo khảo sát đó, một trong ba yếu tố mà các ứng viên mong đợi nhất ở một công ty là cơ hội phát triển nghề nghiệp.
Như vậy, lộ trình phát triển nghề nghiệp vẫn luôn là vấn đề được nhiều người lao động quan tâm. Bởi lẽ, một lộ trình thăng tiến rõ ràng không chỉ thể hiện mong muốn, khát vọng phát triển bản thân của mỗi cá nhân, mà còn là yếu tố quan trọng để tạo ra sự hài lòng và động lực trong quá trình làm việc, tăng độ gắn bó của nhân viên đối với tổ chức, doanh nghiệp. Đó là lý do khiến không ít các doanh nghiệp đang phải “trăn trở” mỗi ngày về việc làm thế nào để xây dựng được một lộ trình thăng tiến đủ hấp dẫn để thu hút và giữ chân nhân tài.
Lộ trình thăng tiến là gì?
Lộ trình thăng tiến (lộ trình phát triển) là sơ đồ định hướng giúp người lao động hình dung được chi tiết về con đường mà họ phải đi qua để có thể đạt được chức danh công việc cao nhất trong sự nghiệp của mình.
Lộ trình thăng tiến thường được chia thành các giai đoạn với những mốc thời gian khác nhau. Trong mỗi giai đoạn đó, nhân viên sẽ cần có những kiến thức, kỹ năng chuyên môn nhất định để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Chẳng hạn, một nhân viên ở mức độ Junior khi chưa có kiến thức, kinh nghiệm thực tế sẽ được giao cho các việc nhỏ để vừa sáng tạo vừa học hỏi. Sau một thời gian, khi đã tích lũy được kinh nghiệm trong nghề, nhân viên đó có thể trở thành Executive, dần dần có cơ hội được cân nhắc lên Leader/Manager và cuối cùng là Director.
Tại sao doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình thăng tiến rõ ràng cho nhân viên?
VietnamWorks đã từng tiến hành một cuộc khảo sát có tên “Những yếu tố người tìm việc quan tâm đối với một Thương hiệu tuyển dụng” với gần 3,000 người tham gia. Cuộc khảo sát cho thấy cơ hội phát triển là một trong 6 yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp thu hút và giữ chân người tài.
Ngoài ra, chuyên gia về quản trị nguồn nhân lực Susan M. Heathfield cũng cho rằng kế hoạch phát triển nghề nghiệp rõ ràng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả người lao động lẫn người sử dụng lao động.
Thứ nhất, lộ trình phát triển cho nhân viên có thể trở thành chiếc “nam châm” hút người tài về cho doanh nghiệp. Tuyển dụng người tài không phải lúc nào cũng là chuyện dễ dàng. Để tuyển được “ngôi sao”, doanh nghiệp có thể sẽ phải tiêu tốn không ít thời gian, công sức và đặc biệt là ngân sách. Trong khi đó, một lộ trình phát triển rõ ràng và phù hợp với vị trí công việc sẽ là “điểm sáng” mà bất kỳ ứng viên nào cũng quan tâm.
Bên cạnh đó, nhờ lộ trình thăng tiến cụ thể, người lao động sẽ dễ dàng hình dung ra được tương lai với vị trí mình đang đảm nhiệm. Lúc này, họ hiểu rằng để lên được vị trí cao hơn với mức đãi ngộ tốt hơn, họ sẽ cần cố gắng mỗi ngày để hoàn thành tốt những nhiệm vụ được phân công. Đây được coi là “vũ khí ngầm” giúp tạo động lực, cải thiện hiệu suất làm việc của mỗi cá nhân nhằm đạt được những mục tiêu chung đã đề ra, giúp doanh nghiệp phát triển và vững mạnh hơn.
Cuối cùng, lộ trình công danh giúp giữ chân người tài giỏi, giảm tỷ lệ thôi việc của nhân viên. Với những tổ chức, doanh nghiệp không có lộ trình phát triển nghề nghiệp rõ ràng, nhân viên dễ cảm thấy bất an, “mù mờ” về con đường sắp tới trong sự nghiệp của mình, từ đó có tâm lý nản chí và tìm kiếm các cơ hội việc làm khác. Tình trạng này dẫn tới tỷ lệ nghỉ việc tăng lên, đe dọa đến sự tăng trưởng ổn định của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi xây dựng lộ trình thăng tiến cho nhân viên?
Trong quá trình xây dựng lộ trình thăng tiến cho người lao động, doanh nghiệp cũng cần lưu ý một vài điểm để tránh mắc phải các vấn đề phát sinh không đáng có:
- Trong trường hợp chưa nắm rõ, nhà quản lý nên tránh hứa hẹn, cam kết với nhân viên về việc công ty sẽ cung cấp các khóa đào tạo hay chương trình phúc lợi cụ thể nào trong tương lai.
- Thay vì tự biến mình thành người chịu trách nhiệm chính trong quá trình triển khai kế hoạch phát triển cho mỗi cá nhân, nhà lãnh đạo nên cố gắng tạo điều kiện thuận lợi để nhân viên có thể tự vạch ra kế hoạch nhằm theo đuổi con đường phát triển của mình.
- Những người lãnh đạo cũng nên tránh “ôm việc vào người” bằng cách tập trung và can thiệp quá nhiều vào kế hoạch phát triển cá nhân của nhân viên. Chẳng hạn, khi nhân viên cần tham gia một khóa học nào đó để phát triển các kỹ năng cần thiết cho công việc, hãy để bộ phận chuyên môn (như phòng đào tạo) chịu trách nhiệm chính về vấn đề này.
Có thể thấy, lộ trình thăng tiến là yếu tố quan trọng hàng đầu trong chiến lược hoạch định phát triển nhân sự dài hạn của mỗi tổ chức, doanh nghiệp.