Blog
“Đôi khi, người thông minh nhất chưa phải là người phù hợp nhất với vị trí bạn cần” (Jon Tse).
Một người tài giỏi, có trình độ chuyên môn cao, kiến thức vững vàng sẽ là nhân tố quan trọng và có thể đem lại nhiều lợi ích lớn lao cho quá trình phát triển của công ty, nhưng đổi lại chi phí lại rất cao. Tuy nhiên trên thực tế, không phải doanh nghiệp, tổ chức nào cũng dám đầu tư ngân sách (lương thưởng, chi phí tuyển dụng…) để chiêu mộ những nhân sự chất lượng cao như vậy về cho doanh nghiệp của mình. Chưa kể, việc giữ chân những người tài ở lại và gắn bó lâu dài với công ty cũng không phải là chuyện dễ dàng. Khi những nhân viên tài năng như vậy thôi việc, doanh nghiệp không chỉ mất đi một nhân tài, mà còn mất đi khoản chi phí khổng lồ đã đầu tư.
Tại sao người giỏi nhất chưa chắc đã là người phù hợp nhất?
Jack Ma đã từng chia sẻ rằng đằng sau sự thành công của “gã khổng lồ” thương mại điện tử Alibaba là tôn chỉ: Tránh những người “giỏi nhất”. Ông cho rằng không có cái gọi là “chuyên gia của tương lai”, họ chỉ là những chuyên gia trong quá khứ. Ông sẽ nhận những người sẵn sàng học hỏi, không sợ sai phạm và đào tạo họ trở thành những người giỏi cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp nên chú trọng tìm người “đúng”, thay vì chỉ “chăm chăm” tìm người “tài” vì nhiều lý do khác nhau. Thứ nhất, khoản lương và đãi ngộ mà doanh nghiệp cần phải chi trả cho những nhân viên giỏi thường rất cao, thậm chí gấp đôi, gấp ba lần so với khung lương của một nhân viên thông thường. Không những vậy, nhân tài cũng có thể rời bỏ doanh nghiệp bất cứ lúc nào nếu tìm được cơ hội mới với chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc tốt hơn.
Ngoài ra, việc “săn đón” nhân tài với trình độ chuyên môn cao không phải là chuyện ngày một ngày hai. Theo Navigos, việc thu hút và sử dụng người tài là bài toán khó đối với không ít các doanh nghiệp. Đây là nguồn lực khan hiếm, đồng thời cũng đòi hỏi nhiều thời gian và công sức của tổ chức để có thể tìm kiếm và tuyển dụng. Việc tuyển dụng một nhân viên thông thường phần lớn sẽ chỉ diễn ra trong một vài tuần, nhưng để tuyển được “ngôi sao” thì quá trình tuyển dụng có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm.
Làm sao để tuyển đúng?
Câu hỏi đặt ra lúc này là doanh nghiệp cần áp dụng những tiêu chí nào để có thể xác định được đâu là người phù hợp với doanh nghiệp của mình? Làm sao để tuyển được những nhân viên tốt nhất, luôn nỗ lực, có tinh thần cầu tiến và đặc biệt là gắn bó với doanh nghiệp dài lâu?
Doanh nghiệp có thể áp dụng công thức “4T” khi tuyển:
- Thái độ: Là thái độ, tinh thần của người lao động đối với mọi công việc được giao.
- Trình độ: Là các kỹ năng, kiến thức chuyên môn cần thiết đối với vị trí công việc.
- Tư duy: Thể hiện trong cách tiếp cận, phản ứng và giải quyết đối với các vấn đề.
- Tư chất: Là phẩm chất, năng lực sẵn có của người lao động, thể hiện qua giao tiếp hằng ngày với đồng nghiệp, với quản lý.
Với Thái độ và Trình độ của người lao động, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đào tạo được nếu chưa đạt yêu cầu. Tuy nhiên, Tư duy và Tư chất mới chính là hai yếu tố quan trọng quyết định doanh nghiệp có đang tuyển đúng người hay không. Mỗi công việc sẽ đòi hỏi phải có những người có tư duy, tư chất cụ thể. Chẳng hạn, có những doanh nghiệp cần người cầu thị, kiên trì và tư duy logic, hơn là một người với dày dặn kinh nghiệm hay có những kỹ năng đặc biệt xuất sắc.
Đặc biệt, nếu định hướng phát triển bản thân của ứng viên có sự tương đồng với giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, đó cũng chính là ứng viên phù hợp của tổ chức. Doanh nghiệp tuyển được đúng người, tức là người lao động cũng tìm được đúng nơi để cống hiến. Lúc này, doanh nghiệp chính là động lực để họ tự thân phát triển, cố gắng mỗi ngày để đạt được mục tiêu chung đã đề ra, đồng thời kiên trì, nhẫn nại và có ý chí vượt khó trong những giai đoạn chuyển đổi và phát triển của doanh nghiệp. Tuyển đúng người tức là doanh nghiệp đã tối ưu được chi phí tuyển dụng cũng như ổn định đội ngũ trong bộ máy của tổ chức.
Như vậy, doanh nghiệp đừng nên quá tập trung vào chữ “tài” mà quên đi chữ “đúng”, vì người giỏi nhất chưa chắc đã là người phù hợp nhất. Đôi khi, những nhân viên bình thường nhưng làm được việc, không ngừng phấn đấu, nỗ lực cải thiện bản thân và trau dồi kỹ năng, kiến thức chuyên môn lại là những người phù hợp nhất.
Nếu doanh nghiệp của bạn vẫn “loay hoay” với bài toán tuyển đúng, hãy để Eheart giúp bạn gỡ bỏ nút thắt này nhé!