Blog
Từ điển năng lực – Yếu tố quan trọng doanh nghiệp không nên bỏ qua
- 04/10/2021
- Posted by: admin
- Category: Quản trị nhân sự

Vào năm 2019, công ty Mandom (Nhật Bản) đã tiến hành một cuộc khảo sát liên quan đến vẻ bề ngoài và thái độ của ứng viên khi xin việc. Kết quả khảo sát cho thấy có hơn 90% người phụ trách tuyển dụng cho rằng kết quả tuyển dụng có thể bị ảnh hưởng bởi vẻ bề ngoài của ứng viên.
Thực tế cho thấy có khá nhiều nhà tuyển dụng hiện nay đánh giá ứng viên qua những tiêu chí được hình thành từ cảm tính. Thực trạng này có thể gây nhiều khó khăn trong quá trình tuyển dụng, khiến doanh nghiệp có thể bỏ lỡ các ứng viên tiềm năng và phù hợp với tổ chức, đồng thời phải bỏ ra nhiều thời gian và chi phí để tuyển dụng. Tuy nhiên, nút thắt này có thể được gỡ rối bằng một bộ từ điển năng lực.
Từ điển năng lực là gì?
Từ điển năng lực là tập hợp tất cả các năng lực được chuẩn hóa để làm thước đo đánh giá mọi vị trí chức danh trong một doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp sẽ có một bộ từ điển năng lực riêng, được xây dựng sao cho phù hợp với văn hóa, giá trị cốt lõi và chiến lược kinh doanh của tổ chức.
Nhờ có bộ từ điển năng lực, doanh nghiệp sẽ có thể dễ dàng hơn trong việc đánh giá ứng viên và lựa chọn người phù hợp nhất với vị trí tuyển dụng thay vì chỉ đánh giá dựa trên kinh nghiệm và cảm tính của nhà tuyển dụng. Một trong những mô hình từ điển năng lực phổ biến nhất hiện nay là ASK, bao gồm 3 yếu tố chính:
- Attitude (Phẩm chất/Thái độ): Là cảm xúc, tình cảm, thái độ đối với công việc, cách tiếp nhận vấn đề…
- Skill (Kỹ năng): Là những kỹ năng, thao tác cần có đối với công việc.
- Knowledge (Kiến thức): Là năng lực tư duy, trình độ chuyên môn, hiểu biết cá nhân liên quan đến công việc.
Tại sao doanh nghiệp cần xây dựng bộ từ điển năng lực?
Trước hết, một bộ từ điển năng lực sẽ giúp doanh nghiệp rút gọn quy trình tuyển dụng, tiết kiệm cả về thời gian và chi phí. Theo Anphabe (công ty về giải pháp Thương hiệu Nhà Tuyển Dụng toàn diện), để có thể tuyển được một nhân sự cho vị trí có mức lương dưới 10 triệu/tháng thì doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 15-20% lương năm của vị trí đó thì mới tìm được người phù hợp. Việc xây dựng bộ từ điển năng lực và áp dụng vào quy trình tuyển dụng sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí tuyển dụng “khổng lồ”.
Không chỉ vậy, một bộ từ điển năng lực cũng đóng vai trò như một bộ “phản lực” giúp nhà tuyển dụng tiết kiệm thời gian. Ngay từ khâu tuyển dụng, doanh nghiệp đã có thể đo lường được khả năng của từng ứng viên dựa trên các tiêu chí trong từ điển năng lực, nhờ đó nhanh chóng chọn được đúng người phù hợp.
Một trong những ví dụ điển hình của việc áp dụng thành công từ điển năng lực trong tuyển dụng là LinkedIn. Trước kia, một ứng viên khi muốn ứng tuyển vào LinkedIn đều phải trải qua từ 1 đến 12 lần phỏng vấn, và thời gian để thực hiện toàn bộ quá trình tuyển dụng này có thể lên tới hơn 80 ngày! Tuy nhiên, hội đồng tuyển dụng của LinkedIn sau đó đã thay đổi toàn bộ quá trình, trong đó có áp dụng bộ từ điển năng lực để làm thước đo đánh giá năng lực của ứng viên. Nhờ cuộc “đại tu” này, thời gian trung bình để một ứng viên đi hết toàn bộ quy trình tuyển dụng của LinkedIn giảm xuống chỉ còn hơn 40 ngày.
Ngoài ra, từ điển năng lực cũng là công cụ hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp trong việc hoạch định và quản trị nhân sự hiệu quả. Đây là cơ sở đánh giá khách quan về năng lực của người lao động, hạn chế được tình trạng “cào bằng” hay lệ thuộc vào thâm niên, bằng cấp, bởi những người tài giỏi, có năng lực tốt và đem lại nhiều lợi ích cho quá trình phát triển của doanh nghiệp sẽ được trả mức lương cao và đãi ngột tốt hơn.
Khi được hưởng chế độ đãi ngộ tương xứng với những gì mình đã bỏ ra, người lao động sẽ có động lực phấn đấu nhiều hơn để đạt được những mục tiêu chung của doanh nghiệp. Nói cách khác, từ điển năng lực có thể giúp khuyến khích và nâng cao hiệu suất làm việc của nhân viên, đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Những “nỗi đau” khi xây dựng từ điển năng lực
Trong quá trình xây dựng bộ từ điển năng lực, doanh nghiệp có thể sẽ mắc phải nhiều vấn đề, chẳng hạn như:
- Đặt ra những tiêu chuẩn năng lực “xa vời” thực tiễn, quá cao hoặc quá thấp so với thực tế, dẫn đến tình trạng nhân viên áp lực, quá tải hoặc nản chí. Về lâu về dài, vấn đề này có thể ảnh hưởng đến mức độ gắn bó của người lao động đối với doanh nghiệp.
- Đội ngũ lãnh đạo của doanh nghiệp chưa thực sự quyết tâm “chiến đấu tới cùng”, hời hợt, thiếu sát sao, thiếu sự cam kết, doanh nghiệp thiếu cán bộ chuyên môn có đầy đủ kinh nghiệm và kỹ năng để xây dựng từ điển năng lực.
- Doanh nghiệp chưa có chiến lược kinh doanh, định hướng phát triển rõ ràng. Khi mục tiêu triển khai không cụ thể, doanh nghiệp cũng khó có thể xây dựng được những tiêu chuẩn năng lực đầy đủ và phù hợp với từng vị trí công việc trong tổ chức.
Như vậy, một bộ từ điển năng lực được chuẩn hóa sẽ có thể đem lại nhiều lợi ích đối với cả doanh nghiệp và người lao động. Từ điển năng lực đóng vai trò như một khung tham chiếu giúp nhà tuyển dụng lựa chọn ra những ứng viên phù hợp nhất với tổ chức, cũng như đánh giá đúng năng lực của từng nhân viên. Nếu doanh nghiệp của bạn vẫn đang phải đau đầu, “quẩn quanh” bên bài toán xây dựng từ điển năng lực, hãy để Eheart giúp bạn nhé!