Blog
Người đúng nhưng việc không “xuôi”: doanh nghiệp nên làm gì?
- 30/08/2021
- Posted by: admin
- Category: Giữ người trong doanh nghiệp

Nguồn nhân lực được coi là một trong những yếu tố “cốt lõi” quyết định sự thành công của tổ chức. Doanh nghiệp muốn đi xa, đi vững cần sở hữu một đội ngũ hùng mạnh cả về chuyên môn và kỹ năng, đạo đức. Chọn được đúng người đã là cả một quá trình đầy gian nan, nhưng làm sao để xếp được người đó vào đúng vị trí công việc và phát huy tối đa những thế mạnh của họ vào công việc lại là một vấn đề khác.
Chọn đúng người, xếp đúng việc, doanh nghiệp sẽ được gì?
Việc chọn đúng người, phân chia đúng nhiệm vụ có vai trò quan trọng không chỉ đối với cá nhân người lao động mà còn với cả tập thể, tổ chức. Bố trí đúng người, đúng việc tức là doanh nghiệp đã tạo điều kiện để mỗi cá nhân được phát huy tối đa tiềm năng của mình. Ngược lại, khi sở hữu một đội ngũ tài năng nhưng không biết cách dùng người hiệu quả, doanh nghiệp cũng sẽ khó đạt được những mong muốn, kỳ vọng của mình.
Ngoài ra, việc sử dụng đúng người vào đúng việc còn có tầm ảnh hưởng lớn tới nhiều khía cạnh khác nhau của doanh nghiệp, chẳng hạn như:
- Ảnh hưởng đến năng suất lao động chung của cả tổ chức: Nếu doanh nghiệp được ví như một bộ máy, thì mỗi cá nhân được coi như một bánh răng. Những bánh răng này kết hợp nhuần nhuyễn với nhau để đảm bảo bộ máy hoạt động trơn tru và hiệu quả. Khi một bánh răng gặp trục trặc, các bánh răng khác cũng có thể bị ảnh hưởng theo. Do đó, năng suất làm việc của một cá nhân có thể tạo ra tác động lớn quyết định năng suất của tập thể.
- Ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường: Nhân lực là nguồn tài nguyên quý của công ty. Khi nhân viên làm việc không hiệu quả, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp giữa các đối thủ cũng như vị thế của doanh nghiệp trên thị trường sẽ bị đe dọa và giảm sút.
Như vậy, khi sở hữu đúng người và sắp xếp người đó thực hiện những nhiệm vụ phù hợp, doanh nghiệp sẽ hoạt động hiệu quả hơn, đạt năng suất cao hơn, từ đó có sức cạnh tranh cao hơn với các đối thủ và nắm giữ vị thế vững chắc hơn trên thị trường.
Người đúng nhưng việc không “xuôi”: có nên sa thải nhân viên?
Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy về cách sử dụng khéo cán bộ. Bác cho rằng “nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc”, và “thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người. Thí dụ, thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử cả hai người đều lúng túng”.
Không ít các doanh nghiệp đã từng rơi vào tình huống tuyển đúng người tài nhưng lại đặt vào sai vị trí. Đây là những nhân tố được doanh nghiệp tin tưởng giao phó trách nhiệm, nhưng khi tiến hành công việc thì kết quả lại không đạt được như mong muốn, thậm chí “đi chệch hướng”, ảnh hưởng đến sự phát triển của tổ chức.
Doanh nghiệp vừa phải trả lương, vừa tốn chi phí tuyển và đào tạo, nhưng chất lượng công việc thực hiện bởi nhân viên đó lại không xứng. Lúc này, câu hỏi gây “đau não” mà các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt là nên áp dụng giải pháp gì đối với những nhân viên như vậy? Mất bao công sức, ngân sách tuyển dụng, doanh nghiệp có nên cho nhân viên đó nghỉ việc?
Gỡ nút thắt từ đâu?
Trước khi đưa ra quyết định sa thải một nhân viên, nhà quản lý nên nhìn nhận lại thực tế rằng chính cá nhân đó đã được tuyển vào doanh nghiệp dựa trên trình độ và kỹ năng của họ. Giả sử cứ có người làm sai, doanh nghiệp đều cho thôi việc thì đó chưa hẳn là cách tối ưu nhất. Vậy liệu có cách nào giữ người ở lại với đội ngũ nhưng vẫn mang lại nhiều lợi ích với doanh nghiệp hay không? Dưới đây là những lời khuyên của Eheart dành cho các doanh nghiệp:
Xác định thế mạnh của từng cá nhân
Trước hết, doanh nghiệp cần xác định những thế mạnh của từng nhân viên, bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng là nên thành công của tổ chức. Khi đã nắm rõ những nét riêng độc đáo của nhân viên, doanh nghiệp có thể chỉ định họ vào những vị trí tương xứng, phù hợp hay cử họ tham gia vào các khóa học bồi dưỡng để họ phát huy tối đa tiềm năng và đóng góp công sức vào quá trình đạt mục tiêu chung của tập thể. Nói cách khác, việc đánh giá chính xác điểm mạnh và điểm yếu của từng nhân viên giúp doanh nghiệp cải thiện năng suất và đạt được kết quả như mong đợi.
Ngược lại, khi doanh nghiệp xác định và hỗ trợ khắc phục kịp thời những điểm yếu của nhân viên, hiệu suất công việc sẽ tăng và đặc biệt là tăng tỷ lệ gắn bó lâu dài của nhân viên đối với doanh nghiệp.
Tổ chức Gallup đã từng tiến hành một cuộc nghiên cứu có tên State of the American Workplace. Theo đó, việc tập trung vào điểm mạnh của từng cá nhân trong doanh nghiệp sẽ giúp họ làm việc với tâm thế tích cực và nhiệt tình hơn, đồng thời cải thiện và khắc phục những thiếu sót. Khi cá nhân nhận thức được những thế mạnh của mình, năng suất làm việc của họ sẽ tăng lên 7,8% và giúp tăng năng suất của cả đội nhóm lên khoảng 12,5%.
Kiên nhẫn, thử thách, trao cơ hội cho nhân viên
Sau khi đầu tư tìm hiểu điểm mạnh/yếu, nhà lãnh đạo cũng nên kiên nhẫn, đưa ra những thử thách và trao cơ hội cho nhân viên phát triển những thế mạnh đó của mình.
Vickie Pullins và Jackie Frazier, hai nhà sáng lập công ty Nghiên cứu Khiếm khuyết về Ngôn ngữ LinguaCare (Thành phố Hurricane, Tây Virginia, Hoa Kỳ), đã từng khảo sát toàn thể nhân viên của mình để chấn chỉnh nhân sự, ghép đúng người vào đúng việc nhằm tạo ra năng suất lao động cao hơn. Họ đã thành công.
Một ví dụ điển hình là trường hợp của Kristy Stower. Cô làm việc tại trung tâm phục hồi chức năng, nhưng lại không đảm bảo được mỗi ngày đạt 5 giờ làm việc với bệnh nhân. Sau cuộc khảo sát, hai nhà lãnh đạo đã phát hiện ra rằng cô có khả năng tổ chức và kỹ năng quản lý tốt các dự án lớn. Do đó, khi công ty hợp tác với một trung tâm y tế lớn, các nhà lãnh đạo đã tạo “đất” phát triển bằng cách giao cho Kristy quản lý các nhân viên khác. Pullins chia sẻ rằng Kristy đã trở thành một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng và làm được những điều mà trước giờ ban lãnh đạo chưa bao giờ tưởng tượng ra.
Một khi đã giải được bài toán chọn đúng người, chia đúng việc, doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm được khoảng thời gian và chi phí khổng lồ (cho tuyển dụng, đào tạo…) mà còn có thể góp phần nâng cao sức mạnh của đội ngũ, từ đó thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của tổ chức.
Nếu doanh nghiệp của bạn đã áp dụng những lời khuyên bên trên nhưng chúng chỉ đem lại hiệu quả trong thời gian ngắn, hãy tìm đến Eheart nhé. Bộ 8 tips giải mã tuyển đúng, dùng chuẩn và phát huy đúng giá trị của Eheart sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán này.